Giỏ hàng đang trống ...

Đóng

Áp dụng thuế chống bán phá giá với thép mạ từ ngày 14/4/2017

Hàng hóa nhập khẩu bị áp dụng thuế chống bán phá giá là thép mạ (còn gọi là tôn mạ): là một số sản phẩm thép cacbon cán phẳng ở dạng cuộn và không phải dạng cuộn, chứa hàm lượng cacbon dưới 0,60% tính theo trọng lượng, có tráng, mạ hay phủ kim loại chống gỉ như kẽm hoặc nhôm hoặc các hợp kim gốc sắt theo tất cả các phương pháp phủ kẽm hợp kim gốc sắt, bất kể độ dày và chiều rộng.

Các sản phẩm này thuộc 35 mã HS như sau: 7210.41.11; 7210.41.12; 7210.41.19; 7210.49.11; 7210.49.12; 7210.49.13; 7210.49.19; 7210.50.00; 7210.61.11; 7210.61.12; 7210.61.19; 7210.69.11; 7210.69.12; 7210.69.19; 7210.90.10; 7210.90.90; 7212.30.10; 7212.30.20; 7212.30.91; 7212.30.99; 7212.50.11; 7212.50.12; 7212.50.19; 7212.50.21; 7212.50.22; 7212.50.29; 7212.50.91; 7212.50.92; 7212.50.99; 7212.60.10; 7212.60.20; 7212.60.90; 7225.92.90; 7226.99.11; 7226.99.91.

Thép mạ thường được dùng làm vật liệu xây dựng, bộ phận xe ô tô, vách ngăn, khung lưng tủ lạnh, vỏ máy vi tính, ống thông gió, vách sau máy điều hòa không khí, kim loại có tráng men, ống, đai thùng đồ nội thất, cửa ra vào, thanh trượt, v.v.

Ngoài ra, thép mạ còn có thể được sử dụng làm vật liệu nền cho tôn mạ màu.

Sản phẩm này có thể ứng dụng trong nhiều trường hợp khác nhau tùy theo yêu cầu của khách hàng về chất lượng, đặc tính vật lý, hạng và ứng dụng của sản phẩm.

Hàng hóa bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá là sản phẩm thép mạ nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông) và Hàn Quốc.

Mức thuế chống bán phá giá xác định đối với hàng hóa nhập khẩu thực hiện theo ba trường hợp.

Trường hợp thứ nhất là hàng hóa có nhập khẩu Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) từ Trung Quốc, Hồng Kông và Hàn Quốc.

Trong trường hợp này, nếu tên nhà xuất khẩu (dựa trên Hợp đồng mua bán hàng hóa) trùng với tên một trong các nhà sản xuất/xuất khẩu hoặc công ty thương mại nêu tại Cột 2, Cột 3 của Bảng 3.1 mục 3 của Thông báo về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức ban hành kèm theo Quyết định số 1105/QĐ-BCT (sau đây gọi là Bảng 3.1) thì yêu cầu thương nhân nhập khẩu xuất trình Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất (Mill-test Certificate) hoặc các giấy tờ tương tự chứng minh tên nhà sản xuất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận nhà sản xuất).

Nếu Giấy chứng nhận nhà sản xuất thể hiện tên nhà sản xuất trùng với tên một trong các công ty nêu tại Cột 2 của Bảng 3.1 thì mức thuế chống bán phá giá áp dụng sẽ là mức thuế dành cho các nhà sản xuất/xuất khẩu tương ứng tại Cột 4 Bảng 3.1.

Nếu Giấy chứng nhận nhà sản xuất không thể hiện nhà sản xuất là một trong các công ty nêu tại Cột 2 Bảng 3.1 thì mức thuế áp dụng cho các nhà sản xuất/xuất khẩu khác của Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông) là 38,34%. Mức thuế dành cho các nhà sản xuất/xuất khẩu khác của Hàn Quốc là 19%.

Nếu thương nhân nhập khẩu không xuất trình được Giấy chứng nhận nhà sản xuất thì mức thuế là 38,34% đối với hàng hóa có C/O của Trung Quốc, Hồng Kông và 19% đối với hàng hóa có C/O của Hàn Quốc.

Trường hợp thứ hai, nếu C/O thể hiện hàng hóa nhập khẩu được sản xuất tại một quốc gia/vùng lãnh thổ cụ thể không phải là Trung Quốc, Hồng Kông và Hàn Quốc thì không áp dụng thuế chống bán phá giá.

Trường hợp ba là hàng hóa nhập khẩu không có C/O.

Nếu thương nhân không xuất trình được C/O phù hợp để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, mức thuế chống bán phá giá áp dụng sẽ là mức thuế cao nhất 38,34%.

Trình tự thủ tục áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức sẽ được thực hiện theo pháp luật về chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam và pháp luật về thuế xuất nhập khẩu.

Nguồn tin: Vinanet 

Go Top